Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam thăm Trụ sở WIPO
Chủ tịch nước đánh giá cao tầm nhìn và Kế hoạch hành động trung hạn của WIPO giai đoạn 2022-2026 về thúc đẩy sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo vì tiến bộ của nhân loại, phát huy thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ tịch đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia và Luật Sở hữu trí tuệ (sẽ được trình Quốc hội Việt Nam thông qua trong kỳ họp tháng 6/2022), phát triển nền văn hóa tiên tiến, đào tạo đội ngũ chuyên gia đủ năng lực khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế, đóng góp vào sự phát triển các ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn của Việt Nam trong tương lai, đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện để các cán bộ Việt Nam được tham gia các khóa đào tạo, thực tập và cơ hội làm việc tại WIPO.
Nhất trí với các đề xuất hợp tác của WIPO, Chủ tịch nước cũng đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy, nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng được Bộ chỉ số đo lường hoạt động đổi mới sáng tạo cấp địa phương trong thời gian tới; khẳng định Việt Nam sẵn sàng là đầu mối hợp tác của WIPO trong khu vực, là đối tác tin cậy trong sứ mệnh phát triển hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu, góp phần làm giàu kho tàng tri thức, văn hóa của nhân loại.
Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang bày tỏ vui mừng được đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn; đánh giá cao các nỗ lực và thành quả ấn tượng của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội nhờ sự quan tâm đầu tư phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia những năm gần đây, mang tới các kết quả vượt bậc trong xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đứng đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.
WIPO đặc biệt đánh giá cao vai trò thành viên và trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia các hoạt động của WIPO, đồng thời cam kết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực và kỹ thuật, xây dựng nền công nghiệp văn hóa, chỉ dẫn địa lý, nâng cấp hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tổng Giám đốc WIPO đề xuất khả năng hợp tác cùng Việt Nam xây dựng trung tâm đào tạo sở hữu trí tuệ cho thanh niên, doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo; thiết lập mạng lưới doanh nhân khởi nghiệp toàn cầu; tăng cường đào tạo năng lực về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ Việt Nam, trong đó có cán bộ ngoại giao, chuyên gia đàm phán.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Lễ công bố danh hiệu Đại sứ trẻ sở hữu trí tuệ của WIPO cho nhóm các nhà sáng chế trẻ Việt Nam. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã có bài phát biểu khuyến khích thanh niên tham gia hoạt động sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, hưởng ứng các sáng kiến do WIPO khởi xướng trên toàn cầu.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khuyến khích thanh niên tham gia hoạt động sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo
Bộ trưởng bày tỏ: “Tôi hoan nghênh và đánh giá cao các sáng kiến của WIPO trong thúc đẩy hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu hướng đến tương lai, nuôi dưỡng và khuyến khích văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa sở hữu trí tuệ trong giới trẻ, thúc đẩy thanh thiếu niên trên thế giới tham gia hoạt động sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững.
Danh hiệu Đại sứ trẻ sở hữu trí tuệ của WIPO là vinh dự, cũng là động lực rất lớn để các bạn trẻ Việt Nam và trên toàn cầu tiếp tục lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong nhà trường, xã hội, từ đó nâng cao nhận thức của giới trẻ và cộng đồng trong việc tôn trọng, bảo vệ và khai thác hiệu quả các tài sản trí tuệ tiến tới chung tay đồng sáng tạo để làm giàu thêm kho tàng tri thức, văn hóa, công nghệ của Việt Nam và thế giới.
Việt Nam luôn ủng hộ và đồng hành với WIPO trên con đường ươm tạo, gieo những hạt mầm đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu. Văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa sở hữu trí tuệ là nhân tố mềm quan trọng nhất của hệ sinh thái sở hữu trí tuệ. Tư duy tươi mới và ý tưởng đổi mới sáng tạo của người trẻ cần được tạo môi trường thuận lợi nhất để phát huy, phát triển thành các giá trị gia tăng lớn cho cộng đồng, xã hội. Cần nuôi dưỡng và giáo dục văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích người trẻ dám bước ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi đam mê, suy nghĩ khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, chấp nhận rủi ro và bao dung với thất bại. Văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa sở hữu trí tuệ là nét mới rất cần được tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cộng đồng.
Thông điệp mà tôi muốn gửi tới thế hệ trẻ hôm nay thông qua các diễn đàn của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, đó là hãy luôn có tư duy mở để đón nhận cái mới; dám thử và sai; làm việc chăm chỉ hơn và làm việc thông minh hơn; dũng cảm thay đổi; và hãy tự tin là chính mình. Học tập suốt đời, làm chủ tri thức, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp và niềm đam mê sáng tạo trong cộng đồng. Đó là con đường dẫn các bạn trẻ đến với thành công trong tương lai”.
Trước đó, trong chiều tối ngày 28/11, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ cho ông Sacha Wunsch Vincent, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu chỉ số tổng hợp, Ban Kinh tế và thống kê WIPO vì các đóng góp, hỗ trợ kỹ thuật của ông đối với công tác thống kê, đo lường năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ cho ông Sacha Wunsch Vincent
Việt Nam gia nhập WIPO vào năm 1976. Kể từ khi gia nhập, Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ quý báu của WIPO trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, WIPO tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc đánh giá các chỉ số xếp hạng toàn cầu về đổi mới sáng tạo GII; hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và sắp tới sẽ tiếp tục hỗ trợ chúng ta triển khai thực hiện Chiến lược này trong thực tiễn. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 12 điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý([1]). Việt Nam cũng tích cực theo dõi, tham gia các phiên thảo luận một số văn kiện quốc tế mới về sở hữu trí tuệ, như Hiệp ước Luật kiểu dáng công nghiệp, Văn kiện quốc tế về Nguồn gen, Tri thức truyền thống, Văn hóa dân gian. Hằng năm, Việt Nam đều cử đại diện tham dự các phiên họp thường trực của các Cơ quan điều hành của WIPO như Đại hội đồng WIPO, Ủy ban Điều phối WIPO, các Ủy ban thường trực như Ủy ban Chương trình và Ngân sách (PBC), Ủy ban Phát triển và Sở hữu trí tuệ (CDIP). Đặc biệt, Việt Nam đã được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Điều phối WIPO năm 2014 và Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019. Tổng Giám đốc WIPO các nhiệm kỳ trước đã đến thăm Việt Nam (các năm 1986, 2010 và 2017), đã luôn tiếp kiến Chủ tịch Nước, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách KH&CN, làm việc với Bộ KH&CN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan chức năng của Bộ KH&CN. Riêng Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang hiện thời, khi còn là Tổng Giám đốc Cơ quan sở hữu trí tuệ Singapore, đã từng thăm và làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ và Bộ KH&CN Việt Nam năm 2016. |
(1)Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu (Việt Nam gia nhập năm 1949); Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (gia nhập năm 1949); Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (gia nhập năm 1976); Hiệp ước hợp tác sáng chế (gia nhập năm 1993); Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (gia nhập năm 2004); Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (gia nhập năm 2005); Công ước Brussel về phân phối tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa truyền qua vệ tinh (gia nhập năm 2006); Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (gia nhập năm 2006); Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu (gia nhập năm 2006); Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng (gia nhập năm 2007); Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (gia nhập năm 2019); Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế (gia nhập năm 2021).