Kính gửi Bộ Khoa Học và Công Nghệ, Chúng tôi là Công ty lắp ráp sản xuất máy lạnh theo công nghệ Nhật Bản – thực hiện việc chuyển giao công nghệ từ Công ty mẹ tại Nhật Bản theo Hợp đồng chuyển giao công nghệ ký kết năm 2008. Hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết là hợp đồng có hiệu lực thi hành trong một khoản thời gian không xác định, trong suốt thời hạn hợp đồng, một bên có quyền chấm dứt bằng văn bản thông báo với bên còn lại trong thời hạn quy định. Như vậy, tại thời điểm Luật Chuyển Giao Công Nghệ 2017 có hiệu lực (01/07/2018), Hợp đồng chuyển giao công nghệ của chúng tôi đã được ký kết và đang có hiệu lực thi hành. Căn cứ Điều 60 Luật Chuyển Giao Công Nghệ 2017, quy định điều khoản chuyển tiếp, cụ thể: “Điều 60. Quy định chuyển tiếp 1. Thỏa thuận chuyển giao công nghệ được các bên ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực, trường hợp có nhu cầu gia hạn thỏa thuận đó sau ngày Luật này có hiệu lực thì thực hiện thủ tục đăng ký, gia hạn theo quy định của Luật này.” Như trình bày nêu trên, hợp đồng chuyển giao công nghệ của chúng tôi đã được ký trước ngày Luật có hiệu lực và chúng tôi không có bất kỳ nhu cầu gia hạn thỏa thuận hoặc hoạt động gia hạn nội dung chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp phải đăng ký sau khi Luật có hiệu lực, do đó, chúng tôi hiểu rằng Hợp đồng chuyển giao công nghệ ký với Công ty mẹ năm 2008 sẽ không thuộc trường hợp bắt buộc phải đăng ký chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 31 của Luật. Theo đó, chúng tôi muốn xin ý kiến của Quý Bộ đối với cách hiểu trên của chúng tôi có phù hợp với tinh thần của quy định chuyển tiếp nêu trên, hoặc có hướng dẫn thêm cho doanh nghiệp trong việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ. Mong nhận phản hồi của quý Bộ. Chân thành cảm ơn, An Lâm
Kính gửi độc giả Lê An Lâm,
- Tại khoản 1 Điều 60 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 quy định: "1. Thỏa thuận chuyển giao công nghệ được các bên ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực, trường hợp có nhu cầu gia hạn thỏa thuận đó sau ngày Luật này có hiệu lực thì thực hiện thủ tục đăng ký, gia hạn theo quy định của Luật này."
- Tại Điều 42 (Điều khoản chuyển tiếp) Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ quy định:
"Điều 42. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với thỏa thuận chuyển giao công nghệ được các bên ký kết trước ngày 01 tháng 7 năm 2018, sau khi Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực, nếu các bên gia hạn nội dung chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp phải đăng ký chuyển giao công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ, trình tự, thủ tục đăng ký gia hạn thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 33 của Luật Chuyển giao công nghệ và quy định của Nghị định này.
2. Đối với thỏa thuận chuyển giao công nghệ được các bên ký kết trước ngày 01 tháng 7 năm 2018, sau khi Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực, nếu các bên có nhu cầu đăng ký chuyển giao công nghệ, trình tự, thủ tục đăng ký thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ và quy định của Nghị định này.
Nếu đăng ký gia hạn chuyển giao công nghệ, trình tự, thủ tục đăng ký gia hạn thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 33 của Luật Chuyển giao công nghệ và quy định của Nghị định này."
Do đó, đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ như độc giả đã nêu, có thời hạn không xác định, được ký kết năm 2008 (trước thời điểm có hiệu lực của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017) và đến nay không có việc gia hạn thỏa thuận hoặc gia hạn nội dung chuyển giao công nghệ thì hợp đồng chuyển giao công nghệ đó không thuộc diện phải đăng ký chuyển giao công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017.
Tuy nhiên, cần lưu ý, đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ thông qua hình thức thực hiện dự án đầu tư thì thời hạn của hợp đồng chuyển giao không thể vượt quá thời hạn thực hiện dự án đầu tư.
Trân trọng!
0 thành viên thích câu trả lời này