Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công Nghệ và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một hành động chính thức nhằm kích thích sự tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) trong nước thông qua đề án Vietnam Silicon Valley.
Buổi lễ ra mắt của "Hệ sinh thái thung lũng Silicon tại Việt nam" vào ngày 04 tháng 6 năm 2013 đã chứng tỏ được quyết tâm của chính phủ trong việc xây dựng một môi trường phát triển lý tưởng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
Mục tiêu của Đề án là tạo ra một hệ sinh thái chú trọng đổi mới sáng tạo và thương mại hoá công nghệ bằng cách kết hợp tinh thần kinh doanh và sự sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam, với những kinh nghiệp thực tiễn tốt nhất của Hoa Kỳ về phát triển, đào tạo, thúc đẩy các doanh nghiệp, cũng như tài trợ và đầu tư cho các doanh nghiệp này.
Đề án đánh dấu sự khởi đầu đầy hấp dẫn của một hệ sinh thái dành cho các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam với việc áp dụng mô hình Thung Lũng Silicon – bao gồm các chương trình huấn luyện và phát triển doanh nghiệp đã được kiểm chứng, kết hợp với một mạng lưới các chuyên gia trên toàn cầu để kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
Những hoạt động chính của Đề án bao gồm:
- Triển khai chương trình đào tạo nhằm giúp cho các doanh nghiệp có thể nâng cấp sản phẩm và hướng tới thị trường.
- Xây dựng hệ thống tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp (Hệ thống BA) để thực hiện đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) có ý tưởng kinh doanh tốt.
- Xây dựng mô hình và quy chế hoạt động của hệ thống Quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân kết hợp với nguồn vốn đầu tư của nhà nước.
Kết quả hoạt động của Đề án:
- Tổ chức tập huấn dành cho Startups tại Việt Nam thông qua các chương trình Startup weekend NEXT và Startup weekend, nhằm tạo cơ hội cho các Startups được học tập, tích lũy kiến thức, trao đổi, tìm kiếm đồng sáng lập, làm việc và nhận được tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và đặc biệt chú trọng vào xây dựng mạng lưới khách hàng.
- Xây dựng và triển khai thành công mô hình Tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Vietnam Silicon Valley Accelerator - VSVA) đầu tiên ở Việt Nam và hỗ trợ 9 nhóm khởi nghiệp trong một quá trình tập huấn tập trung (bootcamp) trong vòng 04 tháng năm 2014.
- Ngày 04 tháng 10 năm 2014, tổ chức thành công Ngày hội đầu tư (Demo Day) vào tại trụ sở của Bộ KH&CN tại số 113 Trần Duy Hưng, để hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp của Đề án có cơ hội trình bày sản phẩm của mình và tiếp cận, kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.
Đề án Silicon là mô hình ươm tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân, trong đó vừa tận dụng thế mạnh của Nhà nước là nguồn chuyên gia KH&CN cũng như đầu mối thông tin về các kết quả nghiên cứu, các viện nghiên cứu, trường đại học, vừa kết hợp được thế mạnh của đơn vị tư nhân (chủ nhiệm Đề án và công ty ATV) là kinh nghiệm tư vấn kinh doanh và mạng lưới kết nối rộng rãi với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự kết hợp này mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia Đề án bởi họ vừa được hỗ trợ về mặt công nghệ, kỹ thuật lại vừa được tiếp cận với đội ngũ dồi dào các chuyên gia tư vấn uy tín cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước, điều mà hầu hết chưa cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nào hiện tại làm được.
Bằng những hoạt động hỗ trợ “mồi” cùa Nhà nước (kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, tổ chức hội thảo, hội nghị cho hệ sinh thái khởi nghiệp,…), đơn vị đối tác tư nhân đã thu hút được nguồn vốn đầu tư xã hội dồi dào cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào khóa tập huấn 4 tháng (bootcamps) của Đề án có thể nhận được khoản đầu tư ban đầu từ 10,000-15,000 USD tương đương với khoảng 10% vốn góp vào doanh nghiệp đó. Sau khi tốt nghiệp khởi Chương trình, nhiều nhóm đã thành công trong việc gọi vốn từ những quỹ đầu tư, nhà đầu tư như:
- Công ty TechElite được sáng lập bởi ông Phạm Kim Hùng và Phạm Kim Hiệp đã thành công trong việc gọi 230.000 Đôla Mỹ vào công ty với định giá 1.8 triệu USD vào thời điểm tháng 11 năm 2014. Tính từ tháng 6/2014 khi TechElite nhận vốn mồi từ VSVA với mức định giá công ty tại thời điểm đó là 200.000 Đôla Mỹ thì chỉ sau 5 tháng tham gia bootcamp, giá trị công ty được nhà đầu tư định giá gấp 9 lần. Hiện nay công ty đang mở rộng bộ máy và đẩy mạnh việc bán sản phẩm của mình.
- Công ty Astro Telligent được sáng lập bởi ông Nguyễn Ngọc Tuấn trong thời gian bootcamp đã thành công trong việc đưa giải pháp quản lý tuyển dụng chuyên nghiệp của mình vào phục vụ ngân hàng VIB với hợp đồng trị giá 20.000 USD. Đây là thành công lớn của công ty vì để có được hợp đồng này Astro đã phải cạnh tranh với các đối thủ quốc tế như Oracle và đối thủ lớn ở Việt Nam là VC Corp. Astro đã giúp Đề án chứng minh công nghệ của Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp mạnh trong và ngoài nước. Sau Bootcamp, Astro Telligent cũng đã gọi thành công 50.000 USD vốn đầu tư mạo hiểm tiếp theo từ các nhà đầu tư cá nhân.
- Công ty LoanVi được sáng lập bởi ông Nguyễn Đức Hải sau thời gian bootcamp đã tiếp tục được đầu tư 50.000 USD bởi Spark Lab Global.
- Công ty Lozi được sáng lập bởi Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Thành Trung, Trần Minh Sơn, Đoàn Minh Tú, Lê Quang Bửu hoạt động trong lĩnh vực mạng xã hội chia sẻ về trải nghiệm ăn uống trong 4 tháng tham gia bootcamp đã tăng gấp 4 số lượng truy cập mỗi tháng. Số lượng người truy cập từ 500.000 lượt 1 tháng tăng thành 2.000.000, số lượng người dùng tăng từ 50.000 lên 200.000 người. Với mức tăng đáng kể trên, Lozi đã đạt mức doanh thu 7.000 USD/ 1 tháng. Hiện nay, công ty đang trong quá trình làm việc với các quỹ đầu tư Singapore.
Ngoài 4 công ty nêu trên, các công ty khác đều đạt được những kết quả vô cùng khả quan, công ty CSK hiện nay đã phục vụ hơn 300 khách hàng là các cửa hàng nhỏ lẻ và các trang thương mại điện tử, Tiny Guu hiện nay đang làm việc với công ty Viettel để phát triển kênh game cho trẻ em…
Kết quả đạt được Boot camp accelerator năm 2014 tới thời điểm này nếu đứng trên quản điểm của quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ có thể nói đã đạt tỷ lệ thành công đối với 5 trên 9 công ty được đầu tư. Đây là tỷ lệ thành công cao hơn Mỹ rất nhiều (trung bình 5-10%). VSVA lần 1 năm 2014 đã góp phần chứng minh về khả năng phát triển doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Cần đặc biệt chú ý rằng những thành công của 9 công ty trên đạt được chỉ sau 4 tháng thành lập và tin chắc rằng theo thời gian 1 hoặc 2 trong số các công ty này sẽ có khả năng phát triển thành các công ty lớn ở Việt Nam. Ngoài ra, việc có Accelerator đầu tiên tại Việt Nam cũng đã góp phần đánh tiếng cho các nước về tiềm năng trong hoạt động đầu tư vào startup tại Việt Nam. Cụ thể, Joyful Frog Digital Incubator (JFDI) hiện là quỹ BA danh tiếng nhất châu Á đã mời Đề án tham gia vào ngày Demo Day của tổ chức này tại Singapore vào tháng 1 năm 2015.